Ngày càng nhiều sinh viên, học viên cao học Trung Quốc chuyển hướng sang các trường đại học Đông Nam Á.
Sinh viên tốt nghiệp Trung Quốc tham gia ngày hội việc làm.
Quy trình tuyển sinh dễ dàng
Do quy trình tuyển sinh dễ dàng, mức học phí phải chăng, ngày càng nhiều sinh viên, học viên cao học Trung Quốc chuyển hướng sang các trường đại học Đông Nam Á.
Năm 2022, khi Yao Li nộp đơn ứng tuyển cao học tại Malaysia, tất cả những gì cô cần nộp là bằng tốt nghiệp đại học, chứng chỉ tiếng Anh, bảng điểm. Chỉ 20 giờ sau, Yao đã nhận được thông báo trúng tuyển. Quy trình ứng tuyển ít cạnh tranh là ưu điểm của các trường đại học Malaysia.
“Khi hầu hết các trường đại học đã đóng đơn đăng ký từ tháng 9/2023 thì các trường tại Malaysia vẫn chấp thuận. Tôi thậm chí không cần thư giới thiệu để ứng tuyển”, Yao nói.
Yao là một trong nhiều thanh niên Trung Quốc chọn học thạc sĩ tại Đông Nam Á, chủ yếu là Malaysia, Thái Lan và Philippines, trong những năm gần đây. Lý do phổ biến là chi phí rẻ và ít cạnh tranh hơn so với các trường đại học phương Tây hay Singapore, Hồng Kông.
Học phí tại Malaysia nói riêng và Đông Nam Á nói chung là khoảng 80 nghìn nhân dân tệ một năm, trong khi các trường đại học ở Anh và Hồng Kông có học phí ít nhất từ 300 nghìn nhân dân tệ một năm.
Theo thống kê của nền tảng truyền thông xã hội Trung Quốc Xiaohongshu, số lượt tìm kiếm về du học Malaysia đã vượt qua một số nước không nói tiếng Anh như Pháp, Đức.
Ông Sang Mingze, người đứng đầu Hiệp hội dịch vụ du học Bắc Kinh, nhận xét những người trẻ Trung Quốc chọn du học Đông Nam Á, đặc biệt là bậc sau đại học, khá giống nhau. Họ đều là những người không hài lòng với cuộc sống hiện tại nhưng lại có ngân sách eo hẹp. Do vậy, du học ở khu vực này là lựa chọn phù hợp.
Tỷ lệ cạnh tranh tại Trung Quốc ngày càng cao
Bên cạnh đó, áp lực việc làm trong nước cũng khiến nhiều người trẻ Trung Quốc chọn học tiếp cao học ở nước ngoài. Bộ Giáo dục Trung Quốc cho biết năm 2022, tỷ lệ nộp hồ sơ du học tăng 23,4% so với một năm trước đó.
Tỷ lệ thất nghiệp trong thanh thiếu niên từ 16 – 24 tuổi đã lên đến hơn 20% vào tháng 4 năm nay. Từ mùa Hè này, con số cao kỷ lục 11,58 triệu cử nhân gia nhập thị trường lao động càng làm gia tăng áp lực việc làm.
Ngoài ra, các nhà phân tích nhìn nhận mối liên hệ kinh tế và văn hóa gần gũi giữa Trung Quốc và Đông Nam Á giúp các nước ASEAN có lợi thế hơn so với các điểm đến du học truyền thống. Vì nền giáo dục Trung Quốc có mức độ cạnh tranh rất lớn nên bất kỳ môi trường nào ít cạnh tranh hơn cũng sẽ được giới trẻ săn đón.
Còn chị Monica, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại một trường đại học Philippines, cho biết việc học tập ở Đông Nam Á không chỉ thu hút sinh viên Trung Quốc, mà còn các nhà tuyển dụng, những người mong muốn tuyển chọn ứng viên có bằng cấp cạnh tranh.
Điều này là do thị trường việc làm Trung Quốc ngày càng khắt khe, tỷ lệ thất nghiệp trong thanh thiếu niên tăng cao. Nhiều công ty tư nhân, công ty vừa và nhỏ sa thải hàng loạt nhân viên nên nhu cầu tuyển dụng càng cao hơn.
Tuy nhiên, nhiều người học đánh giá bằng cấp Đông Nam Á là chưa đủ với họ. Do muốn nâng cao khả năng cạnh tranh, Yao dự kiến sau khi học tập ở Malaysia sẽ nộp đơn xin làm nghiên cứu sinh tại Mỹ. Đông Nam Á có thể chưa phải là điểm dừng cuối cùng của người trẻ Trung Quốc.
Theo bà Catherine Zhu, chuyên gia tư vấn giáo dục nước ngoài, hầu hết các trường đại học ở Đông Nam Á, ngay cả những trường có thứ hạng cao trên toàn cầu, đều thân thiện hơn. Họ đưa ra nhiều ưu đãi hấp dẫn cho sinh viên Trung Quốc, yêu cầu thành tích học tập thấp hơn; thậm chí nhiều nơi còn chào đón cả học viên tốt nghiệp trường nghề.
Theo dõi các tin tức mới nhất về giáo dục các nước trên Website Tin du học